Cồn Nâm có diện tích khá lớn vì có đến 4 thôn: Cồn Nâm,ồnbãigiữadòngGianhVượtsóngraCồnNâmchờphốởCồnKétoán 9 tập 2 Minh Hà, Đông Thành, Tân Định thuộc xã Quảng Minh (TX.Ba Đồn, Quảng Bình). Ấy vậy mà do cầu Cồn Nâm vẫn chưa hoàn thành, nên khoảng 2.800 nhân khẩu của 650 hộ dân muốn vào ra đành phải đi đò.
Theo các cụ cao niên, tiền nhân vượt sông Gianh ra khai khẩn, lập làng ở Cồn Nâm từ khoảng thế kỷ thứ 17. Hồi đó, làng có tên là Nội Hà. Gốc gác của cư dân chủ yếu đến từ các tỉnh Nam Định, Nghệ An với đa số mang họ Nguyễn. Ngày nay, họ Nguyễn cũng chiếm khoảng 90% cư dân trên cồn.
Ông Nguyễn Khắc Tiến, 65 tuổi, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Minh B trên Cồn Nâm, nay là Bí thư Chi bộ thôn Cồn Nâm, cho hay người dân trên cồn sống được bằng nhiều nghề. "Vì cồn lớn nên vẫn có ruộng để trồng lúa. Nghề chính khác là nuôi trồng thủy sản, bên cạnh các nghề phụ như đan lát, phụ hồ, buôn bán… Nhiều nghề, nhưng thực chất cũng không có cái nghề nào là chắc chắn", ông Tiến nói.
Cũng vì rộng lớn, đông dân, nên ký ức của người dân về những trận lụt ở xứ cồn bãi này khá ám ảnh, chủ yếu là mất mát gia cầm, gia súc. "Mỗi năm cồn đón vài ba trận lụt là thường. Nhớ năm 2010, cổng nhà tôi cao 3,3 m mà vẫn không thấy chóp. Năm đó cả thôn chết tổng cộng 39 con bò, bà con khóc ròng vì xót của", ông Hoàng Công Sự, 67 tuổi, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Quảng Minh, một cư dân Cồn Nâm, nhớ lại.
Cũng theo ông Sự, khi lũ về thì cồn cô lập hoàn toàn với bên ngoài, nội bất xuất ngoại bất nhập, học sinh nghỉ học cả tuần lễ là thường… "Vì thế, nhà nào cũng có đò, thuyền thúng, hoặc chí ít cũng có cái bè gỗ ghép lại, phía dưới là các thùng phuy bằng nhựa", ông Sự nói.
Giữa bộn bề khó khăn về giao thông cách trở, lũ lụt triền miên, Cồn Nâm vẫn tự hào là nơi có "nhiều chữ" nhất ở xứ cồn bãi. Theo ông Tiến, con em Cồn Nâm học hành đỗ đạt không ít. Có người học đến tiến sĩ, có người theo binh nghiệp cũng lên cấp đại tá, cồn cũng là nơi có khá nhiều nhà báo. "Biết quê hương còn khó khăn nên những người càng thành công khi ra ngoài lại càng nhớ về cồn. Họ tìm cách này cách khác, từ vật chất đến tinh thần, để tạo sự đổi thay cho nơi chôn nhau cắt rốn, khiến những người đang bám trụ trên cồn thấy ấm lòng", ông Tiến tự hào nói.
Khác với Cồn Nâm, Cồn Két ở P.Quảng Thuận (TX.Ba Đồn) chỉ mới thành hình hơn 40 năm. Những cư dân đầu tiên ở Cồn Két là dân vạn đò, từng rày đây mai đó. Khi mỏi mệt với những chuyến đi, họ cần một bờ đất để làm nơi trú chân. Doi đất giữa sông Gianh vốn chỉ có cây bụi um tùm đã được họ lựa chọn.
Có lẽ vì "sinh sau đẻ muộn" nên Cồn Két là cồn nghèo nhất, hiện có 75 hộ, 311 nhân khẩu. "Mô hình" các gia đình thường là chồng đi biển làm thuê, vợ ở nhà đánh bắt cá tôm ven bờ. Cồn Két cũng chưa có cầu bắc qua và đang ở tình trạng không đường, không trường học, không trạm xá… "Nhiều năm trôi qua Cồn Két vẫn nguyên nghèo khó. Trời mưa trẻ nghỉ học, người đau ốm phải ôm chạy đi thuyền qua sông, lũ lên nhà nào nhà nấy lo lên đò chạy lũ…", ông Hoàng Ngọc Dương, 49 tuổi, Trưởng thôn Cồn Két, cảm thán.
Năm 2017, chính quyền đã lập quy hoạch Khu đô thị Cồn Két với mong muốn biến vùng cồn bãi này thành khu dân cư hiện đại bậc nhất. Nhưng mãi đến nay quy hoạch này vẫn nằm trên giấy, để lại bao hệ lụy cho người dân Cồn Két. "Vướng quy hoạch, không ai được xây dựng thêm nhà cửa, dù dân số ngày mỗi phình ra. Giờ có nhiều ngôi nhà cấp 4 bé tẹo nhưng có đến 3 - 4 thế hệ cùng sinh sống. Chật chội đến ngột ngạt", ông Dương nói.
Anh Hoàng Văn Tịnh (27 tuổi, cư dân Cồn Két) ngán ngẩm kể, sau khi đi xuất khẩu lao động Đài Loan trở về, anh lấy vợ sinh con. Ngặt nỗi, gian nhà của cha anh (ông Hoàng Trinh, 60 tuổi) đã có 4 gia đình với 16 con người đang sống. Vợ chồng anh đành ra riêng, sống trên nhà phao, nhấp nhổm theo con nước. "Tôi cũng mơ ngày Cồn Két trở thành khu đô thị lắm chứ! Mong điều đó đến nhanh nữa là đằng khác. Nhưng chờ mãi…", anh Tịnh thở dài.
Trái với sự "mỏi mệt" của người dân Cồn Két, ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND TX.Ba Đồn, vẫn tin tưởng về ngày xứ cồn bãi này "hóa rồng", biến vùng đất xác xơ thành khu đô thị tầm cỡ, làm điểm nhấn cho cả thị xã. Ông Thọ cũng cho biết theo quy hoạch sẽ có một cây cầu lớn bắc từ Nhà máy vi sinh Sông Gianh qua Cồn Két, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi có… khu đô thị.
"Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Cồn Két với tổng đầu tư 1.804 tỉ đồng. Dự án có quy mô 502.000 m2, cung cấp cho thị trường 729 lô đất, xây thô hoàn thiện mặt ngoài 41 căn biệt thự, 51 nhà liền kề, 7 nhà ở hỗn hợp. Khu đô thị cũng có nhà đầu tư chất lượng, tâm huyết đến từ Hà Nội đặc biệt quan tâm. Giờ chính quyền cũng mong mỏi nhà đầu tư làm được như cam kết", ông Thọ kỳ vọng.
Theo ông Thọ, khu đô thị thành hình sẽ là cơ hội đổi đời với người dân Cồn Két. Họ có thể được ưu tiên cấp đất, xây nhà, mở ra những sinh kế mới thay vì bám mãi nghề chài lưới bấp bênh… Ai cũng có quyền ước mơ, chính quyền thị xã và người dân Cồn Két cũng vậy. Giấc mơ về khu đô thị trên Cồn Két là một giấc mơ đẹp. Nhưng bây giờ, tất cả vẫn đang nằm trên giấy…
(còn tiếp)